Thị trường bất động sản không có dấu hiệu suy thoái
Bộ Xây dựng trong cho rằng, 5 năm qua, bộ đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiều đề án phát triển thị trường bất động sản ổn định, lành mạnh. Thị trường bất động sản không có dấu hiệu suy thoái trong 5 năm qua.
Hoàn thiện thể chế, tháo gỡ nhiều vướng mắc bất cập
Báo cáo tại Hội nghị đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ 5 năm (2016 - 2020) ngành xây dựng, định hướng mục tiêu, nhiệm vụ 5 năm (2021 - 2025) Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế được chú trọng, tổng kết, đánh giá toàn diện tình hình thực hiện chính sách, phát hiện vướng mắc, bất cập để sửa đổi, hoàn thiện cho phù hợp. Xây dựng, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật với nhiều nội dung đổi mới, đảm bảo thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, giải quyết các vướng mắc, bất cập trong thực tiễn.
Bộ Xây dựng cho biết, hiện số vốn đăng ký và đang triển khai ở các dự án bất động sản khoảng 4,5 triệu tỷ đồng; thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trong 5 năm trở lại đây đạt khoảng 17,63 tỷ USD; đóng góp khoảng 0,4 điểm % trong tăng trưởng kinh tế; tổng thu liên quan đến xây dựng và bất động sản khoảng 11% GDP; xuất hiện nhiều doanh nghiệp phát triển bất động sản lớn như Vingroup, Flc, Sungroup, Novaland…
Đặc biệt, thời gian qua, nguồn vốn FDI trong lĩnh vực bất động sản cũng liên tục tăng, các chủ thể tham gia phát triển bất động sản đã đa dạng hơn, đồng thời cơ cấu thị trường cũng được điều chỉnh theo yêu cầu thực của thị trường. Giai đoạn 2016 – 2020, thị trường bất động sản đã tăng trưởng và không xuất hiện các dấu hiệu cực đoan, “bong bóng” thị trường như chù kỳ 10 năm vẫn được nhắc đến. Tình trạng sốt giá cục bộ ở một số phân khúc và một số địa phương cũng được kiểm soát kịp thời nhờ các chính sách ổn định thị trường.
Đặc biệt, năm 2020, thị trường bất động sản bị ảnh hưởng nhiều của đại dịch Covid-19, tuy nhiên, Chính phủ đã có những nghị quyết, chỉ thị, tạo điều kiện phục hồi thị trường bất động sản thông qua tín dụng, thuế, đất đai, quy hoạch. Kết quả đạt được là thị trường không bị rơi vào cảnh đóng băng toàn diện mà chỉ giảm phát ở một số phân khúc. Đến cuối năm 2020, thị trường có dấu hiệu phục hồi, phát triển ở một số phân khúc như bất động sản công nghiệp, nhà ở giá thấp.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cũng thừa nhận, cơ cấu hàng hóa bất động sản vẫn chưa hợp lý, phân khúc bất động sản cao cấp dư thừa nguồn cung, trong khi đó nhà ở thương mại giá thấp gần như biến mất khỏi thị trường. Các doanh nghiệp vẫn tập trung đầu tư vào các loại hình bất động sản cao cấp, bất động sản nghỉ dưỡng, chưa coi trọng đầu tư vào phân khúc nhà ở bình dân giá rẻ, nhà ở cho thuê, nhà ở xã hội để đáp ứng nhu cầu cho đại bộ phận người dân còn hạn chế về thu nhập, nhất là ở các đô thị, khu công nghiệp, khu kinh tế.
Chú trọng phát triển sản phẩm bất động sản theo nhu cầu xã hội
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Nghị, để khắc phục lệch pha chung cầu sản phẩm bất động sản, trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách; chú trọng khuyến khích phát triển sản phẩm bất động sản đáp ứng nhu cầu lớn của xã hội như nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá thấp.
Pháp luật về kinh doanh bất động sản tiếp tục được nghiên cứu, hoàn thiện để kịp thời tham mưu các chính sách quản lý các loại hình bất động sản mới như bất động sản công nghiệp, bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng. Phát triển đa dạng các loại bất động sản, bảo đảm cân đối cung - cầu của từng phân khúc, từng địa phương và trong từng giai đoạn.
Xây dựng cơ sở dữ liệu, hoàn thiện hệ thống thông tin quản lý nhà ở và thị trường bất động sản đảm bảo kết nối và liên thông với cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai; xây dựng cơ chế minh bạch đánh giá giá trị đất đai, bất động sản. Đồng thời, phát triển cơ sở hạ tầng đi đôi với cải tạo chỉnh trang đô thị lớn thành các thành phố thông minh, hiện đại gắn kết với việc phát triển đô thị vệ tinh để lan toả sự phát triển và phân bố lại cung - cầu bất động sản.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cũng khẳng định: “Bộ Xây dựng cũng sẽ bám sát tình hình thị trường để kịp thời điều chỉnh, tháo gỡ những khó khăn, hạn chế, bất cập của cơ chế, chính sách, pháp luật, thiên tai, đặc biệt là tác động của dịch Covid-19 nhằm giúp thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh”.
Song song với việc tạo điều kiện để các thành phần kinh tế tham gia thị trường bất động sản theo cơ chế thị trường, việc quản lý các dự án đầu tư phát triển đô thị cần theo quy hoạch và có kế hoạch; chủ động kiểm soát, điều tiết đảm bảo thị trường bất động sản phát triển ổn định, công khai, minh bạch.
Ngoài việc tham mưu với Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiều đề án phát triển thị trường bất động sản ổn định, lành mạnh. Bộ Xây dựng còn chú trọng phát triển các loại sản phẩm vật liệu xây dựng đáp ứng nhu cầu trong nước và một phần dành cho xuất khẩu. Báo cáo của Bộ Xây dựng cho thấy, tổng sản lượng xi măng đến năm 2020 ước 101,74 triệu tấn, gạch ốp lát 575 triệu m2, sứ vệ sinh 19 triệu sản phẩm, kính xây dựng 230 triệu m2, gạch xây nung, gạch không nung 30 tỷ viên, đáp ứng nhu cầu trong nước./.
Văn Tuấn
0コメント